NGƯỜI YÊU DỰ BỊ
NGƯỜI YÊU DỰ BỊ
Không ai sinh ra đã muốn làm “người yêu dự bị”, nhưng nhiều người lại rơi vào vai trò ấy một cách vô thức, thậm chí lặp lại nó trong nhiều mối quan hệ khác nhau. Họ không chủ đích yêu người có đôi, cũng chẳng mưu cầu việc mãi đứng phía sau, chịu đựng, nhường nhịn và chờ đợi. Nhưng đâu đó trong chiều sâu của tâm hồn, họ mang theo niềm tin rằng mình không đủ giá trị để được chọn đầu tiên, để là vai chính xứng đáng trong đời ai đó. Niềm tin ấy không tự nhiên mà có— thường bắt nguồn từ những trải nghiệm gắn bó không an toàn trong quá khứ. Có thể họ từng là đứa trẻ lớn lên với cha mẹ thiếu nhất quán, khi thì lạnh nhạt, khi thì khắt khe, hoặc khi thì chiều chuộng bất chợt. Trong hoàn cảnh ấy, đứa trẻ học được rằng: để được yêu thương, mình phải cố gắng làm vừa lòng, phải chờ đợi, phải hy sinh. Và điều đó trở thành kịch bản mặc định khi họ lớn lên.
Từ góc độ sinh học thần kinh, trạng thái “treo lơ lửng” trong các mối quan hệ—vừa được quan tâm nhưng không bao giờ đủ rõ ràng—kích hoạt liên tục trục HPA (hypothalamic-pituitary-adrenal), khiến cortisol và các hormone căng thẳng luôn ở mức cao. Người đó sống trong trạng thái cảnh giác, lo âu, suy diễn và thiếu an toàn kéo dài, dù bề ngoài có thể rất kiên nhẫn và dịu dàng. Não bộ, đặc biệt là amygdala (vùng xử lý cảm xúc đe dọa) trở nên nhạy cảm quá mức, trong khi vỏ não trước – nơi kiểm soát hành vi lý trí – lại yếu đi trong các tình huống cảm xúc mãnh liệt. Họ biết mình đang chịu thiệt, thậm chí bị lợi dụng, nhưng vẫn không thể rút lui, vì bên trong, hệ thần kinh đã “lập trình” họ theo cơ chế: chỉ cần cố thêm chút nữa, mình sẽ được yêu.
Đây chính là cái bẫy tâm lý của những người từng tổn thương: càng không được chọn, họ càng cố gắng để chứng tỏ; càng bị bỏ rơi, họ càng sợ trống rỗng và bám víu. Cảm giác bị từ chối không đơn thuần là buồn—nó có thể kích hoạt cả một ký ức cảm xúc chưa từng được gọi tên: nỗi đau bị bỏ rơi từ thời thơ ấu, cảm giác mình không đủ tốt để được nhìn thấy. Chính vì thế, họ có thể cam chịu cả việc làm “con giáp thứ 13”, chấp nhận tình huống không rõ ràng, thậm chí cả khi có yếu tố bị xâm hại, vẫn cố gắng tự thuyết phục bản thân rằng “mình tự nguyện”, “người ấy cần mình”, “chỉ cần mình đủ hy sinh thì họ sẽ chọn”.
Trong quá trình làm việc trị liệu, tôi chưa từng gặp người yêu dự bị nào có một cái kết viên mãn. Dù có khi được “lên chính thức”, họ vẫn không hạnh phúc vì gốc rễ vấn đề không nằm ở đối phương, mà nằm ở chính nội tâm của họ: sự thiếu cảm giác xứng đáng, sự rối loạn trong cách đọc tín hiệu cảm xúc và tổ chức lại lòng tin vào bản thân. Họ không cần bị phán xét, mà cần được chữa lành: từ hệ thần kinh đang kẹt trong trạng thái căng thẳng mãn tính, đến những mô hình gắn bó sai lệch, và những niềm tin cốt lõi đã bị bóp méo từ rất sớm. Khi họ học được cách điều hòa cảm xúc, kết nối lại với cơ thể, nhận diện giới hạn của mình và phục hồi giá trị bản thân, họ mới có thể từ chối vai diễn phụ và bắt đầu sống như nhân vật chính trong chính câu chuyện đời mình.
MIA NGUYỄN
Không ai sinh ra đã muốn làm “người yêu dự bị”, nhưng nhiều người lại rơi vào vai trò ấy một cách vô thức, thậm chí lặp lại nó trong nhiều mối quan hệ khác nhau. Họ không chủ đích yêu người có đôi, cũng chẳng mưu cầu việc mãi đứng phía sau, chịu đựng, nhường nhịn và chờ đợi. Nhưng đâu đó trong chiều sâu của tâm hồn, họ mang theo niềm tin rằng mình không đủ giá trị để được chọn đầu tiên, để là vai chính xứng đáng trong đời ai đó. Niềm tin ấy không tự nhiên mà có— thường bắt nguồn từ những trải nghiệm gắn bó không an toàn trong quá khứ. Có thể họ từng là đứa trẻ lớn lên với cha mẹ thiếu nhất quán, khi thì lạnh nhạt, khi thì khắt khe, hoặc khi thì chiều chuộng bất chợt. Trong hoàn cảnh ấy, đứa trẻ học được rằng: để được yêu thương, mình phải cố gắng làm vừa lòng, phải chờ đợi, phải hy sinh. Và điều đó trở thành kịch bản mặc định khi họ lớn lên.
Từ góc độ sinh học thần kinh, trạng thái “treo lơ lửng” trong các mối quan hệ—vừa được quan tâm nhưng không bao giờ đủ rõ ràng—kích hoạt liên tục trục HPA (hypothalamic-pituitary-adrenal), khiến cortisol và các hormone căng thẳng luôn ở mức cao. Người đó sống trong trạng thái cảnh giác, lo âu, suy diễn và thiếu an toàn kéo dài, dù bề ngoài có thể rất kiên nhẫn và dịu dàng. Não bộ, đặc biệt là amygdala (vùng xử lý cảm xúc đe dọa) trở nên nhạy cảm quá mức, trong khi vỏ não trước – nơi kiểm soát hành vi lý trí – lại yếu đi trong các tình huống cảm xúc mãnh liệt. Họ biết mình đang chịu thiệt, thậm chí bị lợi dụng, nhưng vẫn không thể rút lui, vì bên trong, hệ thần kinh đã “lập trình” họ theo cơ chế: chỉ cần cố thêm chút nữa, mình sẽ được yêu.
Đây chính là cái bẫy tâm lý của những người từng tổn thương: càng không được chọn, họ càng cố gắng để chứng tỏ; càng bị bỏ rơi, họ càng sợ trống rỗng và bám víu. Cảm giác bị từ chối không đơn thuần là buồn—nó có thể kích hoạt cả một ký ức cảm xúc chưa từng được gọi tên: nỗi đau bị bỏ rơi từ thời thơ ấu, cảm giác mình không đủ tốt để được nhìn thấy. Chính vì thế, họ có thể cam chịu cả việc làm “con giáp thứ 13”, chấp nhận tình huống không rõ ràng, thậm chí cả khi có yếu tố bị xâm hại, vẫn cố gắng tự thuyết phục bản thân rằng “mình tự nguyện”, “người ấy cần mình”, “chỉ cần mình đủ hy sinh thì họ sẽ chọn”.
Trong quá trình làm việc trị liệu, tôi chưa từng gặp người yêu dự bị nào có một cái kết viên mãn. Dù có khi được “lên chính thức”, họ vẫn không hạnh phúc vì gốc rễ vấn đề không nằm ở đối phương, mà nằm ở chính nội tâm của họ: sự thiếu cảm giác xứng đáng, sự rối loạn trong cách đọc tín hiệu cảm xúc và tổ chức lại lòng tin vào bản thân. Họ không cần bị phán xét, mà cần được chữa lành: từ hệ thần kinh đang kẹt trong trạng thái căng thẳng mãn tính, đến những mô hình gắn bó sai lệch, và những niềm tin cốt lõi đã bị bóp méo từ rất sớm. Khi họ học được cách điều hòa cảm xúc, kết nối lại với cơ thể, nhận diện giới hạn của mình và phục hồi giá trị bản thân, họ mới có thể từ chối vai diễn phụ và bắt đầu sống như nhân vật chính trong chính câu chuyện đời mình.
MIA NGUYỄN
