NHỮNG NGƯỜI ĐÀN ÔNG MỜ NHẠT
NHỮNG NGƯỜI ĐÀN ÔNG MỜ NHẠT
Một người chồng, người cha ít nói, ít bày tỏ cảm xúc, hoặc là vùi đầu vào công việc hoặc là sáng xỉn chiều say, hoặc là bùng nổ hoặc là lặng thinh, mất kết nối. Đó là hình ảnh chung về những người đàn ông, những người chú, người cậu nơi tôi sinh ra và lớn lên. Họ có thể nghiện uống trà/cafe, nghiện thuốc lá. Họ có thể là người tháo vát và cần cù. Họ chỉ sạch sẽ sau mỗi buổi tối tắm gội, phần lớn thời gian họ lấm lem và ướt mồ hôi. Họ thường xem thời sự, nói về chính trị cùng nhau, nhưng ít khi nào nội dung câu chuyện là về chính họ. Chẳng mấy khi họ nói về việc họ cảm thấy như thế nào, hiếm khi ta thấy được con người họ hiện lên trọn vẹn qua những cuộc trò chuyện. Những gì họ nói về chính mình thường chỉ là công việc, tiền tài, thành tích trong mối quan hệ với phụ nữ. Họ mờ nhạt về bản sắc, chỉ được hiện diện bởi tiềm lực kinh tế và năng lực giường chiếu. Họ thường giải tỏa cảm xúc bằng “hành động”, làm cái gì đó để cảm thấy dễ chịu hơn. Cũng vì vậy họ thường hay bốc đồng, hay “làm sai”, thường hay bị đánh giá không tốt, đàn ông thường “tồi”, phụ nữ phải đi tìm đàn ông “tốt” để cảm thấy hạnh phúc.
Nhưng chúng ta quên một điều rằng: những trẻ em trai được ngầm kỳ vọng, hướng dẫn hay bỏ bê để trở nên giống họ.
Bé trai thì không được khóc
Nói về những gì mình cảm thấy, bày tỏ cảm xúc là đàn bà, là hẹp hòi, không nam tính. Trẻ em trai từ nhỏ đã được kỳ vọng đè nén cảm xúc của mình để trở thành những người đàn ông chững chạc, trầm ổn. Không phải tất cả mọi người đều có tính cách và cách thể hiện giống nhau. Nhưng rất nhiều bé trai đã bị ép theo khuôn mẫu lý tưởng giả tạo của người lớn. Họ sống trong sự im lặng tuyệt vọng, từ chối nhận biết về chính mình, về những cảm xúc mình đã trải qua, trở nên trơ lì vô cảm. Kết quả là những cảm xúc, năng lượng không được giải tỏa theo những cách lành mạnh như kể ra, chia sẻ, bày tỏ mà sẽ dồn nén và trở lại dưới dạng những cơn giận, bùng nổ cảm xúc vào chính mình hay vào những người yếu thế hơn. Sự thật là nam giới có tỷ lệ tự kết thúc cuộc sống cao hơn nữ giới ở hầu hết các nghiên cứu (BBC News, 2019), phần lớn các hành vi bạo lực trong gia đình cũng được thực thi bởi người chồng, người cha của nạn nhân (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 2022).
Bé trai không “mách lẻo”
Thay vì chờ sự phân xử từ bên thứ ba, trẻ em trai được mong đợi giải quyết mọi chuyện theo kiểu thù hằn cá nhân, “không đánh không quen biết”. Những hành vi hung hăng, hiếu động, phá phách, không được kẻ lằn ranh giới hạn ngay từ nhỏ. Thay vì nói chuyện, tương tác để hiểu nhau, đàn ông được ngầm ủng hộ dùng vũ lực. Bởi vì phân bua, nhiều lời là việc của đàn bà. Những bạn nam vị thành niên bất hảo cũng có nhóm của mình, có cảm giác được thuộc về, nhưng các bạn nam thể hiện nhiều tính nữ (chăm sóc cơ thể, nhẹ nhàng, biểu lộ cảm xúc) lại có nhiều khả năng bị loại trừ khỏi nhóm chơi theo giới hơn.
Bé trai phải “nắng gió bụi bặm”
Chỉ có phụ nữ mới cần bảo vệ cơ thể và chăm sóc bản thân thôi, đàn ông càng thô ráp, càng bạo dạn phơi bày cơ thể thì càng được xem trọng. Tuổi dậy thì của họ thường được “thả”, không có hướng dẫn, không có giáo dục, không có kiến thức, mọi thứ chỉ là bản năng hay được “truyền thụ kinh nghiệm” từ những trẻ lớn hơn. Bé trai được dạy ngầm rằng cơ thể của mình không có giá trị, không hấp dẫn, không cần phải tôn trọng và bảo vệ nó. Ở đâu đó trong các vùng quê, sờ vào bộ phận sinh dục của các bé trai là bình thường. Ở đâu đó dọc các tuyến đường, đàn ông đi vệ sinh nơi công cộng là bình thường. Bé trai bị lạm dụng, đàn ông bị xâm hại là điều không thể, là một trò cười.
Đàn ông không được phô bày sự yếu thế, chưa từng yếu thế, phải giấu, không có chuyện đó. Đàn ông phải im lặng, chỉ im lặng và làm việc, phải là trụ cột, không được than, không được tỏ ra yếu đuối, tuyệt vọng, không được kêu cứu, phải chịu đựng, cho đến khi không thể chịu đựng…
Dù vậy, tôi tin rằng mọi thứ rồi sẽ thay đổi. Bởi vì nó đang thay đổi. Những người bạn của tôi không còn dồn nén như cha họ. Những người em, người cháu của tôi đang được giáo dục tốt hơn. Chúng ta đang đấu tranh cho bình đẳng giới mỗi ngày. Để không còn khuôn mẫu cho cả nam và nữ, để mỗi người được là chính họ. Đàn ông sẽ không chỉ là những cái bóng mờ nhạt, sẽ là sinh động và đầy sức sống. Nam giới sẽ lên tiếng khi cần trợ giúp, sẽ không ngần ngại khi chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất của mình nữa. Bởi vì điều đó là hợp lý, là hữu ích, là hiển nhiên, gia đình không chỉ hạnh phúc khi phụ nữ hạnh phúc, gia đình chỉ hạnh phúc khi mỗi thành viên đều hạnh phúc.
THẢO VY
Một người chồng, người cha ít nói, ít bày tỏ cảm xúc, hoặc là vùi đầu vào công việc hoặc là sáng xỉn chiều say, hoặc là bùng nổ hoặc là lặng thinh, mất kết nối. Đó là hình ảnh chung về những người đàn ông, những người chú, người cậu nơi tôi sinh ra và lớn lên. Họ có thể nghiện uống trà/cafe, nghiện thuốc lá. Họ có thể là người tháo vát và cần cù. Họ chỉ sạch sẽ sau mỗi buổi tối tắm gội, phần lớn thời gian họ lấm lem và ướt mồ hôi. Họ thường xem thời sự, nói về chính trị cùng nhau, nhưng ít khi nào nội dung câu chuyện là về chính họ. Chẳng mấy khi họ nói về việc họ cảm thấy như thế nào, hiếm khi ta thấy được con người họ hiện lên trọn vẹn qua những cuộc trò chuyện. Những gì họ nói về chính mình thường chỉ là công việc, tiền tài, thành tích trong mối quan hệ với phụ nữ. Họ mờ nhạt về bản sắc, chỉ được hiện diện bởi tiềm lực kinh tế và năng lực giường chiếu. Họ thường giải tỏa cảm xúc bằng “hành động”, làm cái gì đó để cảm thấy dễ chịu hơn. Cũng vì vậy họ thường hay bốc đồng, hay “làm sai”, thường hay bị đánh giá không tốt, đàn ông thường “tồi”, phụ nữ phải đi tìm đàn ông “tốt” để cảm thấy hạnh phúc.
Nhưng chúng ta quên một điều rằng: những trẻ em trai được ngầm kỳ vọng, hướng dẫn hay bỏ bê để trở nên giống họ.
Bé trai thì không được khóc
Nói về những gì mình cảm thấy, bày tỏ cảm xúc là đàn bà, là hẹp hòi, không nam tính. Trẻ em trai từ nhỏ đã được kỳ vọng đè nén cảm xúc của mình để trở thành những người đàn ông chững chạc, trầm ổn. Không phải tất cả mọi người đều có tính cách và cách thể hiện giống nhau. Nhưng rất nhiều bé trai đã bị ép theo khuôn mẫu lý tưởng giả tạo của người lớn. Họ sống trong sự im lặng tuyệt vọng, từ chối nhận biết về chính mình, về những cảm xúc mình đã trải qua, trở nên trơ lì vô cảm. Kết quả là những cảm xúc, năng lượng không được giải tỏa theo những cách lành mạnh như kể ra, chia sẻ, bày tỏ mà sẽ dồn nén và trở lại dưới dạng những cơn giận, bùng nổ cảm xúc vào chính mình hay vào những người yếu thế hơn. Sự thật là nam giới có tỷ lệ tự kết thúc cuộc sống cao hơn nữ giới ở hầu hết các nghiên cứu (BBC News, 2019), phần lớn các hành vi bạo lực trong gia đình cũng được thực thi bởi người chồng, người cha của nạn nhân (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 2022).
Bé trai không “mách lẻo”
Thay vì chờ sự phân xử từ bên thứ ba, trẻ em trai được mong đợi giải quyết mọi chuyện theo kiểu thù hằn cá nhân, “không đánh không quen biết”. Những hành vi hung hăng, hiếu động, phá phách, không được kẻ lằn ranh giới hạn ngay từ nhỏ. Thay vì nói chuyện, tương tác để hiểu nhau, đàn ông được ngầm ủng hộ dùng vũ lực. Bởi vì phân bua, nhiều lời là việc của đàn bà. Những bạn nam vị thành niên bất hảo cũng có nhóm của mình, có cảm giác được thuộc về, nhưng các bạn nam thể hiện nhiều tính nữ (chăm sóc cơ thể, nhẹ nhàng, biểu lộ cảm xúc) lại có nhiều khả năng bị loại trừ khỏi nhóm chơi theo giới hơn.
Bé trai phải “nắng gió bụi bặm”
Chỉ có phụ nữ mới cần bảo vệ cơ thể và chăm sóc bản thân thôi, đàn ông càng thô ráp, càng bạo dạn phơi bày cơ thể thì càng được xem trọng. Tuổi dậy thì của họ thường được “thả”, không có hướng dẫn, không có giáo dục, không có kiến thức, mọi thứ chỉ là bản năng hay được “truyền thụ kinh nghiệm” từ những trẻ lớn hơn. Bé trai được dạy ngầm rằng cơ thể của mình không có giá trị, không hấp dẫn, không cần phải tôn trọng và bảo vệ nó. Ở đâu đó trong các vùng quê, sờ vào bộ phận sinh dục của các bé trai là bình thường. Ở đâu đó dọc các tuyến đường, đàn ông đi vệ sinh nơi công cộng là bình thường. Bé trai bị lạm dụng, đàn ông bị xâm hại là điều không thể, là một trò cười.
Đàn ông không được phô bày sự yếu thế, chưa từng yếu thế, phải giấu, không có chuyện đó. Đàn ông phải im lặng, chỉ im lặng và làm việc, phải là trụ cột, không được than, không được tỏ ra yếu đuối, tuyệt vọng, không được kêu cứu, phải chịu đựng, cho đến khi không thể chịu đựng…
Dù vậy, tôi tin rằng mọi thứ rồi sẽ thay đổi. Bởi vì nó đang thay đổi. Những người bạn của tôi không còn dồn nén như cha họ. Những người em, người cháu của tôi đang được giáo dục tốt hơn. Chúng ta đang đấu tranh cho bình đẳng giới mỗi ngày. Để không còn khuôn mẫu cho cả nam và nữ, để mỗi người được là chính họ. Đàn ông sẽ không chỉ là những cái bóng mờ nhạt, sẽ là sinh động và đầy sức sống. Nam giới sẽ lên tiếng khi cần trợ giúp, sẽ không ngần ngại khi chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất của mình nữa. Bởi vì điều đó là hợp lý, là hữu ích, là hiển nhiên, gia đình không chỉ hạnh phúc khi phụ nữ hạnh phúc, gia đình chỉ hạnh phúc khi mỗi thành viên đều hạnh phúc.
THẢO VY