CHÚT TÂM TÌNH TỪ NGƯỜI NGOẠI ĐẠO
CHÚT TÂM TÌNH TỪ NGƯỜI NGOẠI ĐẠO
Sài Gòn trở mùa. Gió chướng mang hơi lạnh se se vào lòng phố. Con tàu thời gian đang lăn những vòng cuối cùng trên hành trình của một năm đầy xôn xao và tất bật. Cái lạnh hiếm hoi dù chỉ một chút ít vào mỗi sáng và chiều tà cũng đủ xoa dịu bao nhiêu vội vàng của hơi nhiệt công việc suốt mười một tháng đã qua.
Sài Gòn thay chiếc áo đông với những gam màu ấm áp của mùa Giáng Sinh mới. Những người có đạo và ngoại đạo đều háo hức trong không khí vui vẻ, náo nhiệt và hoan ca của mùa lễ chung dành cho tất cả. Những ngày của tháng 12, Sài Gòn lấp lánh đèn màu trong cảnh quang trang trí rộn ràng.
Các nhà thờ đâu đâu cũng là tiếng hát của những ca đoàn chuẩn bị cho đại lễ lớn trong năm. Tiếng hát véo von của mùa lễ lạc hạnh phúc và an nhiên, cảm giác vui mừng và phấn chấn của những người trong đạo càng khiến cho không khí của Giáng Sinh nồng nhiệt, ấm áp và hân hoan.
Đi dạo nhà thờ vào một tối chủ nhật muộn màng khi những bài thánh ca đang ngân nga trong các buổi tập của ca đoàn, tôi tình cờ gặp lại vợ chồng em. Tôi nhớ mùa Giáng Sinh ba năm trước, tại một góc giáo đường ngày “đầu đông” ở Sài Gòn, tôi gặp em đang thành tâm cầu nguyện. Em cũng như tôi, một kẻ ngoại đạo, từ trước đến nay chưa bao giờ tin điều gì hay ai khác bằng chính bản thân mình. Nhưng hôm ấy thì khác. Em ướt mem mồ hôi đường xa, dáng người gầy nhom, đen nhẻm, bước vào giáo đường với gương mặt chất chứa đầy hi vọng xen lẫn bi thương.
Em bảo em muốn cầu nguyện cho người chồng đang nằm bất động ở bệnh viện Chợ Rẫy có thể vượt qua được tai nạn chấn thương sọ não, đã mổ ở tuyến dưới nhưng nhiễm trùng nghiêm trọng. Đó là lần đầu tiên em đến nhà thờ, nỗi khao khát bám víu hi vọng dẫu mong manh đã dẫn lối em đến đây, bên tượng Chúa và cầu nguyện cho chồng.
Đến bây giờ tôi cũng không chắc có phải vì sự cầu nguyện ấy hay chính vì ý chí kiên cường của cô gái nhỏ bé đó, quyết tâm chạy chữa dù người nhà đã muốn buông xuôi. Em vẫn nuôi hi vọng lớn lao trong lòng mình, ngày đêm tâm sự “kêu chồng” tỉnh lại. Và rồi chẳng ai ngờ, điều em gọi là kì tích đã xảy ra, chồng em tỉnh dậy thật. Rồi mấy tháng sau đó, bằng hết nỗ lực của mình, em đã có thể dìu chồng đi những bước chân đầu tiên.
Tôi thường hồ nghi, phải chăng có một đức tin làm nơi bám trụ lúc chới với nhất sẽ có thể giúp con người ta mạnh mẽ và đối mặt với khó khăn.
Em từ một cô gái nông thôn thậm chí không biết cách sử dụng thẻ ngân hàng, em ngơ ngác hỏi tôi số tài khoản là số nào trên tờ giấy thông báo gửi về vì trước giờ đều có chồng lo. Ấy vậy mà từ khi biến cố ập đến, cô gái vụng về ngày trước đã mạnh mẽ trở thành trụ cột cho gia đình nhỏ bé gồm ba con người ấy. Có những điều mà trước đây em chưa bao giờ nghĩ mình sẽ biết như rửa vết thương cho chồng, cách cho ăn, cách săn sóc người bị chấn thương đầu… tất cả những gì y tá và điều dưỡng hướng dẫn em đều học được…
Một mình em bươn chải kiếm sống, nuôi chồng. Bằng một tình thương và sức mạnh từ tinh thần vững vàng, kiên định, em đã vượt được ngày tháng khó khăn ấy. Theo dõi những giọt nước mắt hạnh phúc của em từ ngày chồng mở mắt tỉnh lại, đến những bước chân đầu tiên, đến tiếng nói trở lại nhưng ú ớ và ngọng nghịu, đến nét chữ nguệch ngoạc mà anh ấy cố gắng bằng tất cả sức lực để viết lời cảm ơn em vào sinh nhật… mới thấy hết được vẻ đẹp tào khang của người vợ. Người ta đã từng hoài nghi về sự chung thủy của em lúc nhận được tiền giúp đỡ từ các mạnh thường quân để rồi phải giấu đi nỗi xấu hổ đó mà nể phục nghị lực của em, năm ấy em chỉ vừa 23 tuổi.
Mùa Giáng Sinh năm nay, em cùng chồng tay trong tay bước vào giáo đường, vẫn đơn thuần chỉ là những người ngoại đạo, nhưng có lẽ chính bởi những ngày ngồi ở nhà thờ này, em đã thực sự bình tâm để tự vun đắp cho mình sức mạnh tinh thần to lớn và tập trung vượt qua những sóng gió ngày cũ.
Trong những ngày khó khăn nhất, có lẽ chúng ta nên tìm cho mình một nơi chốn nào đó thật an lành để nương tựa tinh thần và vực dậy cho mình ý chí mạnh mẽ để tiếp tục cuộc hành trình đời người.
Những cơn gió “đông” mang cái lạnh dịu ngọt đã mơn trớn trên từng hàng cây, con phố, cũng là lúc người Sài Gòn bắt đầu tìm kiếm cho mình những điều ý nghĩa để làm trong Giáng Sinh. Xin gửi một lời nguyện cầu an lành, hạnh phúc đến với tất cả mọi người từ một người ngoại đạo.
LẠC NHIÊN
Sài Gòn trở mùa. Gió chướng mang hơi lạnh se se vào lòng phố. Con tàu thời gian đang lăn những vòng cuối cùng trên hành trình của một năm đầy xôn xao và tất bật. Cái lạnh hiếm hoi dù chỉ một chút ít vào mỗi sáng và chiều tà cũng đủ xoa dịu bao nhiêu vội vàng của hơi nhiệt công việc suốt mười một tháng đã qua.
Sài Gòn thay chiếc áo đông với những gam màu ấm áp của mùa Giáng Sinh mới. Những người có đạo và ngoại đạo đều háo hức trong không khí vui vẻ, náo nhiệt và hoan ca của mùa lễ chung dành cho tất cả. Những ngày của tháng 12, Sài Gòn lấp lánh đèn màu trong cảnh quang trang trí rộn ràng.
Các nhà thờ đâu đâu cũng là tiếng hát của những ca đoàn chuẩn bị cho đại lễ lớn trong năm. Tiếng hát véo von của mùa lễ lạc hạnh phúc và an nhiên, cảm giác vui mừng và phấn chấn của những người trong đạo càng khiến cho không khí của Giáng Sinh nồng nhiệt, ấm áp và hân hoan.
Đi dạo nhà thờ vào một tối chủ nhật muộn màng khi những bài thánh ca đang ngân nga trong các buổi tập của ca đoàn, tôi tình cờ gặp lại vợ chồng em. Tôi nhớ mùa Giáng Sinh ba năm trước, tại một góc giáo đường ngày “đầu đông” ở Sài Gòn, tôi gặp em đang thành tâm cầu nguyện. Em cũng như tôi, một kẻ ngoại đạo, từ trước đến nay chưa bao giờ tin điều gì hay ai khác bằng chính bản thân mình. Nhưng hôm ấy thì khác. Em ướt mem mồ hôi đường xa, dáng người gầy nhom, đen nhẻm, bước vào giáo đường với gương mặt chất chứa đầy hi vọng xen lẫn bi thương.
Em bảo em muốn cầu nguyện cho người chồng đang nằm bất động ở bệnh viện Chợ Rẫy có thể vượt qua được tai nạn chấn thương sọ não, đã mổ ở tuyến dưới nhưng nhiễm trùng nghiêm trọng. Đó là lần đầu tiên em đến nhà thờ, nỗi khao khát bám víu hi vọng dẫu mong manh đã dẫn lối em đến đây, bên tượng Chúa và cầu nguyện cho chồng.
Đến bây giờ tôi cũng không chắc có phải vì sự cầu nguyện ấy hay chính vì ý chí kiên cường của cô gái nhỏ bé đó, quyết tâm chạy chữa dù người nhà đã muốn buông xuôi. Em vẫn nuôi hi vọng lớn lao trong lòng mình, ngày đêm tâm sự “kêu chồng” tỉnh lại. Và rồi chẳng ai ngờ, điều em gọi là kì tích đã xảy ra, chồng em tỉnh dậy thật. Rồi mấy tháng sau đó, bằng hết nỗ lực của mình, em đã có thể dìu chồng đi những bước chân đầu tiên.
Tôi thường hồ nghi, phải chăng có một đức tin làm nơi bám trụ lúc chới với nhất sẽ có thể giúp con người ta mạnh mẽ và đối mặt với khó khăn.
Em từ một cô gái nông thôn thậm chí không biết cách sử dụng thẻ ngân hàng, em ngơ ngác hỏi tôi số tài khoản là số nào trên tờ giấy thông báo gửi về vì trước giờ đều có chồng lo. Ấy vậy mà từ khi biến cố ập đến, cô gái vụng về ngày trước đã mạnh mẽ trở thành trụ cột cho gia đình nhỏ bé gồm ba con người ấy. Có những điều mà trước đây em chưa bao giờ nghĩ mình sẽ biết như rửa vết thương cho chồng, cách cho ăn, cách săn sóc người bị chấn thương đầu… tất cả những gì y tá và điều dưỡng hướng dẫn em đều học được…
Một mình em bươn chải kiếm sống, nuôi chồng. Bằng một tình thương và sức mạnh từ tinh thần vững vàng, kiên định, em đã vượt được ngày tháng khó khăn ấy. Theo dõi những giọt nước mắt hạnh phúc của em từ ngày chồng mở mắt tỉnh lại, đến những bước chân đầu tiên, đến tiếng nói trở lại nhưng ú ớ và ngọng nghịu, đến nét chữ nguệch ngoạc mà anh ấy cố gắng bằng tất cả sức lực để viết lời cảm ơn em vào sinh nhật… mới thấy hết được vẻ đẹp tào khang của người vợ. Người ta đã từng hoài nghi về sự chung thủy của em lúc nhận được tiền giúp đỡ từ các mạnh thường quân để rồi phải giấu đi nỗi xấu hổ đó mà nể phục nghị lực của em, năm ấy em chỉ vừa 23 tuổi.
Mùa Giáng Sinh năm nay, em cùng chồng tay trong tay bước vào giáo đường, vẫn đơn thuần chỉ là những người ngoại đạo, nhưng có lẽ chính bởi những ngày ngồi ở nhà thờ này, em đã thực sự bình tâm để tự vun đắp cho mình sức mạnh tinh thần to lớn và tập trung vượt qua những sóng gió ngày cũ.
Trong những ngày khó khăn nhất, có lẽ chúng ta nên tìm cho mình một nơi chốn nào đó thật an lành để nương tựa tinh thần và vực dậy cho mình ý chí mạnh mẽ để tiếp tục cuộc hành trình đời người.
Những cơn gió “đông” mang cái lạnh dịu ngọt đã mơn trớn trên từng hàng cây, con phố, cũng là lúc người Sài Gòn bắt đầu tìm kiếm cho mình những điều ý nghĩa để làm trong Giáng Sinh. Xin gửi một lời nguyện cầu an lành, hạnh phúc đến với tất cả mọi người từ một người ngoại đạo.
LẠC NHIÊN