DẠY CON BẰNG NỖI SỢ
DẠY CON BẰNG NỖI SỢ
Tôi nhớ ngày còn bé, mỗi khi biếng ăn, quấy khóc hoặc không nghe lời, mẹ tôi thường ép buộc bằng cách kể tôi nghe về ông Kẹ – một người đàn ông xấu xí, đáng sợ, chuyên đi bắt cóc và ăn thịt những đứa trẻ không ngoan.
Bên cạnh câu chuyện về nhân vật đáng sợ này, nhiều gia đình khác còn chọn cách dạy dỗ con cái bằng đòn roi hay những lời mắng chửi thậm tệ, cốt để cho trẻ biết sợ mà nghe lời, không khóc nhè hay làm trái ý bố mẹ nữa.
Cách dạy con bằng nỗi sợ này rất phổ biến ở các gia đình phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhiều người cho rằng “thương cho roi cho vọt”. Nói cách khác, chỉ có dọa nạt hoặc áp dụng biện pháp bạo lực thì trẻ mới biết sợ mà nghe lời. Từ tốn giảng giải và yêu chiều sẽ khiến trẻ trở nên lì lợm, tự mãn và bỏ lời dạy dỗ của bố mẹ ngoài tai. Điều này dần trở thành một lối suy nghĩ bảo thủ và hà khắc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, cho đến tận bây giờ.
Dùng nỗi sợ hãi để dạy trẻ có thể đem lại tác dụng nhất thời nhưng cũng có khả năng để lại “di chứng” không đáng có trong tâm lý non nớt của trẻ. Bố mẹ vẫn thường dọa trẻ về ông Kẹ, ông ba bị, thậm chí là người bình thường như “Nếu con không chịu ăn thì mẹ sẽ cho chú ngồi cạnh ăn”, khiến trẻ dần cảm thấy thế giới bên thật nguy hiểm và đáng sợ. Trẻ dần trở nên ù lì, ngần ngại ra khỏi nhà, không muốn tiếp xúc với người khác và thế giới bên ngoài.
Tương tự như vậy, những trận đòn roi, trách mắng có thể khiến trẻ trở nên lãnh cảm và luôn tìm cách khép mình trong thế giới riêng. Nhiều đứa trẻ dù cố gắng đến mấy nhưng vẫn không được công nhận hay khen ngợi, nhưng chỉ cần phạm một lỗi nhỏ thì sẽ bị la mắng và đánh đập dã man nên dần trở nên tự ti, mất niềm tin vào bản thân và luôn chán nản, lo âu, sợ sệt trước mọi thứ.
Nhiều nghiên cứu còn chứng minh rằng những đứa trẻ là nạn nhân của đòn roi thường có xu hướng áp dụng bạo lực lên những đối tượng yếu hơn mình như chó mèo, anh chị em, bạn bè, thậm chí là con cái của mình sau này và cho rằng đó là điều đương nhiên. Những đứa trẻ đó thường sẽ hình thành tính cách cộc cằn, hung hăng và bạo lực ngay cả khi đã trưởng thành, vì người chưa từng được yêu thương thường rất khó để có thể học cách yêu thương người khác.
Bên cạnh đó, cũng như người trưởng thành, mỗi đứa trẻ đều có tính cách và tư duy khác nhau. Giáo dục bằng cách răn đe, dọa nạt sẽ khiến trẻ sợ sệt và bó mình trong một khuôn mẫu có sẵn. Chính vì sợ làm sai, sợ bị mắng nên trẻ bị thui chột khả năng sáng tạo và trở nên phụ thuộc, chỉ biết đợi ý kiến từ bố mẹ – những người không thể chăm sóc và dìu dắt trẻ cả đời.
Chúng ta thường rất ngại dành tặng con cái mình một lời khen hay một cái ôm, nhưng chẳng hề tiếc những trận đòn roi hay đôi câu mắng nhiếc. Người lớn như chúng ta – với tuổi đời và kinh nghiệm sống dày dặn gấp mấy lần trẻ con, nhưng khi bị khiển trách hay đánh mắng thậm tệ cũng sẽ cảm thấy buồn bã và tức giận. Vậy mà chúng ta lại áp dụng chính điều đó lên những đứa trẻ còn yếu ớt và non nớt hơn mình.
Thế giới của trẻ con có thể ngây ngô, mộng mơ và ít thực tế hơn người lớn, nhưng ở đó vẫn tồn tại lòng tự trọng và những cung bậc cảm xúc riêng. Trẻ con không phải đồ vật vô tri vô giác, trẻ con cũng là người và xứng đáng được tôn trọng.
Liệu có phải chúng ta đang dần khiến giáo dục chệch khỏi quỹ đạo nên có của nó? Dạy dỗ trẻ con là quá trình trang bị kiến thức cần thiết cho trẻ, dạy cho trẻ cách tự bảo vệ mình, giúp trẻ phân biệt đúng sai và những điều nguy hiểm cần tránh. Trẻ từ chối làm một việc vì nhận thức được đó là hành động sai trái hoặc đem lại nhiều nguy hiểm, chứ không phải là vì lo sợ sự rầy la từ người lớn. Sử dụng bạo lực để bắt ép con trẻ nhất mực tuân theo ý mình cho thấy sự bất lực trong phương pháp giáo dục của người làm cha mẹ.
Xã hội ngày càng thay đổi, trở nên hiện đại và văn minh hơn. Nhiều hủ tục và tư duy lối mòn đang dần được bãi bỏ. Chúng ta cũng cần đổi mới trong cách dạy dỗ trẻ con. Thay vì dọa nạt để bắt trẻ hoàn toàn tuân theo mình và không có khả năng phản kháng, hãy lắng nghe suy nghĩ của trẻ và kiên nhẫn giảng giải, phân tích cho trẻ. Đừng bao giờ xem thường cảm xúc hay những câu chuyện của trẻ con, vì đó có thể là nỗ lực cầu cứu của trẻ.
Dọa nạt và bắt ép không thể nuôi lớn một đứa trẻ thành một người trưởng thành toàn diện. Chúng ta nên nuôi dưỡng trẻ bằng tình yêu thương và sự thấu hiểu chứ đừng là nỗi sợ hay ám ảnh trải dài thời ấu thơ. Hãy kiên nhẫn cho con em mình cơ hội để trở thành một người khỏe mạnh và toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.
CATHERINE
Tôi nhớ ngày còn bé, mỗi khi biếng ăn, quấy khóc hoặc không nghe lời, mẹ tôi thường ép buộc bằng cách kể tôi nghe về ông Kẹ – một người đàn ông xấu xí, đáng sợ, chuyên đi bắt cóc và ăn thịt những đứa trẻ không ngoan.
Bên cạnh câu chuyện về nhân vật đáng sợ này, nhiều gia đình khác còn chọn cách dạy dỗ con cái bằng đòn roi hay những lời mắng chửi thậm tệ, cốt để cho trẻ biết sợ mà nghe lời, không khóc nhè hay làm trái ý bố mẹ nữa.
Cách dạy con bằng nỗi sợ này rất phổ biến ở các gia đình phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhiều người cho rằng “thương cho roi cho vọt”. Nói cách khác, chỉ có dọa nạt hoặc áp dụng biện pháp bạo lực thì trẻ mới biết sợ mà nghe lời. Từ tốn giảng giải và yêu chiều sẽ khiến trẻ trở nên lì lợm, tự mãn và bỏ lời dạy dỗ của bố mẹ ngoài tai. Điều này dần trở thành một lối suy nghĩ bảo thủ và hà khắc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, cho đến tận bây giờ.
Dùng nỗi sợ hãi để dạy trẻ có thể đem lại tác dụng nhất thời nhưng cũng có khả năng để lại “di chứng” không đáng có trong tâm lý non nớt của trẻ. Bố mẹ vẫn thường dọa trẻ về ông Kẹ, ông ba bị, thậm chí là người bình thường như “Nếu con không chịu ăn thì mẹ sẽ cho chú ngồi cạnh ăn”, khiến trẻ dần cảm thấy thế giới bên thật nguy hiểm và đáng sợ. Trẻ dần trở nên ù lì, ngần ngại ra khỏi nhà, không muốn tiếp xúc với người khác và thế giới bên ngoài.
Tương tự như vậy, những trận đòn roi, trách mắng có thể khiến trẻ trở nên lãnh cảm và luôn tìm cách khép mình trong thế giới riêng. Nhiều đứa trẻ dù cố gắng đến mấy nhưng vẫn không được công nhận hay khen ngợi, nhưng chỉ cần phạm một lỗi nhỏ thì sẽ bị la mắng và đánh đập dã man nên dần trở nên tự ti, mất niềm tin vào bản thân và luôn chán nản, lo âu, sợ sệt trước mọi thứ.
Nhiều nghiên cứu còn chứng minh rằng những đứa trẻ là nạn nhân của đòn roi thường có xu hướng áp dụng bạo lực lên những đối tượng yếu hơn mình như chó mèo, anh chị em, bạn bè, thậm chí là con cái của mình sau này và cho rằng đó là điều đương nhiên. Những đứa trẻ đó thường sẽ hình thành tính cách cộc cằn, hung hăng và bạo lực ngay cả khi đã trưởng thành, vì người chưa từng được yêu thương thường rất khó để có thể học cách yêu thương người khác.
Bên cạnh đó, cũng như người trưởng thành, mỗi đứa trẻ đều có tính cách và tư duy khác nhau. Giáo dục bằng cách răn đe, dọa nạt sẽ khiến trẻ sợ sệt và bó mình trong một khuôn mẫu có sẵn. Chính vì sợ làm sai, sợ bị mắng nên trẻ bị thui chột khả năng sáng tạo và trở nên phụ thuộc, chỉ biết đợi ý kiến từ bố mẹ – những người không thể chăm sóc và dìu dắt trẻ cả đời.
Chúng ta thường rất ngại dành tặng con cái mình một lời khen hay một cái ôm, nhưng chẳng hề tiếc những trận đòn roi hay đôi câu mắng nhiếc. Người lớn như chúng ta – với tuổi đời và kinh nghiệm sống dày dặn gấp mấy lần trẻ con, nhưng khi bị khiển trách hay đánh mắng thậm tệ cũng sẽ cảm thấy buồn bã và tức giận. Vậy mà chúng ta lại áp dụng chính điều đó lên những đứa trẻ còn yếu ớt và non nớt hơn mình.
Thế giới của trẻ con có thể ngây ngô, mộng mơ và ít thực tế hơn người lớn, nhưng ở đó vẫn tồn tại lòng tự trọng và những cung bậc cảm xúc riêng. Trẻ con không phải đồ vật vô tri vô giác, trẻ con cũng là người và xứng đáng được tôn trọng.
Liệu có phải chúng ta đang dần khiến giáo dục chệch khỏi quỹ đạo nên có của nó? Dạy dỗ trẻ con là quá trình trang bị kiến thức cần thiết cho trẻ, dạy cho trẻ cách tự bảo vệ mình, giúp trẻ phân biệt đúng sai và những điều nguy hiểm cần tránh. Trẻ từ chối làm một việc vì nhận thức được đó là hành động sai trái hoặc đem lại nhiều nguy hiểm, chứ không phải là vì lo sợ sự rầy la từ người lớn. Sử dụng bạo lực để bắt ép con trẻ nhất mực tuân theo ý mình cho thấy sự bất lực trong phương pháp giáo dục của người làm cha mẹ.
Xã hội ngày càng thay đổi, trở nên hiện đại và văn minh hơn. Nhiều hủ tục và tư duy lối mòn đang dần được bãi bỏ. Chúng ta cũng cần đổi mới trong cách dạy dỗ trẻ con. Thay vì dọa nạt để bắt trẻ hoàn toàn tuân theo mình và không có khả năng phản kháng, hãy lắng nghe suy nghĩ của trẻ và kiên nhẫn giảng giải, phân tích cho trẻ. Đừng bao giờ xem thường cảm xúc hay những câu chuyện của trẻ con, vì đó có thể là nỗ lực cầu cứu của trẻ.
Dọa nạt và bắt ép không thể nuôi lớn một đứa trẻ thành một người trưởng thành toàn diện. Chúng ta nên nuôi dưỡng trẻ bằng tình yêu thương và sự thấu hiểu chứ đừng là nỗi sợ hay ám ảnh trải dài thời ấu thơ. Hãy kiên nhẫn cho con em mình cơ hội để trở thành một người khỏe mạnh và toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.
CATHERINE