PHỤ NỮ BAO NHIÊU TUỔI LÀ GIÀ
PHỤ NỮ BAO NHIÊU TUỔI LÀ GIÀ
Nhân một chiều mưa đầu mùa, trên đường đi làm về, tôi tạt ngang quán cà phê quen thuộc gần nhà thưởng thức một tách cacao nóng. Quán hôm nay khá vắng, ngoài tôi ra thì chỉ có một cặp đôi ngồi gần cửa ra vào.
Không gian êm dịu khiến cho mọi âm thanh đều có vẻ được khuếch đại. Lúc bước vào tôi tình cờ nhìn thấy chiếc bánh sinh nhật rất xinh xắn cùng một bó hoa hồng trên bàn của cặp đôi này, nhưng cô gái lại có vẻ giận dỗi.
- Thôi mà, anh không cố ý đâu
- Nhưng em chỉ mới 28 tuổi thôi, sao anh lại lấy đèn cầy số 29?
- Anh nhầm lẫn một chút thôi mà. Em nè, mẹ anh hay bảo đùa là mình phải tính thêm một năm nằm trong bụng mẹ nữa, hì hì
Những tưởng nói đùa như vậy có thể khiến cô gái xí xóa, nhưng nào ngờ cô nàng càng phát hỏa hơn:
- Mẹ em với mấy bà dì cũng hay nói vậy, mà em thì ghét vô cùng ấy. Cứ phải cộng thêm một năm cho mình già thêm chi vậy?
- Làm gì có, với anh thì em lúc nào cũng trẻ đẹp mà.
- Thôi đi, anh biết là với phụ nữ thì cộng thêm một tuổi cũng là tội ác đấy.
Cứ thế hai người ngồi dùng dằng qua lại, một người kiên trì dỗ, một người ra sức dỗi, tình cờ tôi lại được xem phim tình cảm bi hài miễn phí, xem chán chê đến mức đứng dậy ra về rồi mà cô nàng hờn dỗi ấy vẫn chưa chán.
Từ câu chuyện bi hài trong quán cà phê, trên đường về, tôi bất chợt suy ngẫm: “Phụ nữ bao nhiêu tuổi là già?”. Đối với nhiều người, 30 tuổi được xem là cái nhãn dán dành cho sự bắt đầu “tuổi già” của phụ nữ.
Tuổi 30, ta chính thức rời bỏ những mối tình vu vơ, ngây dại, trong sáng của tuổi thiếu thời. Những trải nghiệm kiểu như cùng nhau đạp xe lang thang khắp phố để ăn kem, ăn chè, nói bao câu chuyện không đầu không cuối về truyện tranh, phim ảnh, cùng nhau dầm mưa rong ruổi khắp các nẻo đường…tựa hồ như quá xa vời.
Tuổi 30, ta cũng đã vững bước hơn trên con đường đời mà mình lựa chọn. Vẫn còn đó những khi rối rắm, loạng choạng, không biết chọn cái gì mới phải, chẳng hay đi đường nào là chính xác, nhưng ta đã dần trưởng thành hơn và hạn chế những quyết định bốc đồng.
Tuổi 30, ta thấy con đường mình đi không rộng thênh thang như những năm 20 nữa mà thấy nó dài vô tận, sâu thăm thẳm, kéo theo bên mình bao nỗi mông lung, bao trách nhiệm trên vai. Nhưng không vì những thay đổi lớn đó trong cuộc đời, không vì những áp lực và trách nhiệm ấy mà có thể gán cho phụ nữ một chữ “già”.
Phụ nữ bị ám ảnh về tuổi già một phần là do chịu sự tác động của hệ tư tưởng xã hội, tới một độ tuổi nhất định bất kể ở nhà hay ra phố, ai ai cũng phán cho ta một chữ “nhiều tuổi”, “già” thì lần này qua lần khác, ngày này qua tháng nọ, ai không vững tâm ắt tự nghĩ mình già thật.
Tôi có cô bạn luôn quan tâm đến vấn đề cơ thể béo dần lên theo năm tháng và nếp nhăn ở mặt, ở môi, ở mí mắt. Mỗi ngày nhỏ đều đứng trước gương soi thật kỹ từng nếp nhăn, dăm ba bữa lại nhắn tin than khóc rằng: “Trời ơi mặt mình đang chảy xệ mỗi ngày này.”, “Nếp nhăn này ở đâu xuất hiện nhanh vậy?”. Tôi nghĩ thầm có lẽ nếp nhăn xuất hiện là do nhỏ ngày ngày nhìn vào gương nheo mắt thật kỹ để tìm kiếm và quan sát nếp nhăn trên gương mặt mình.
Trái ngược với nhỏ bạn này, một lần nọ tôi gặp một cô bạn có quan điểm rất ấn tượng về những nếp nhăn. Cô ấy cho rằng nếp nhăn tượng trưng cho sự thông tuệ, điềm tĩnh của một người qua bao thăng trầm trong cuộc sống. Sự hiện diện của chúng đánh dấu sự trưởng thành, những sự kiện quan trọng của một đời người và sớm hay muộn gì thì gương mặt bạn cũng không thể thiếu những nếp nhăn, bởi vì bạn sẽ phải trưởng thành theo năm tháng.
Thật ra, con số 30 có thể xem là cột mốc của một cuộc đời đang chuẩn bị cằn cỗi theo năm tháng, hay là một thời đại hoàng kim mở ra nhiều niềm vui và trải nghiệm mới – điều đó tùy thuộc vào suy nghĩ của mỗi người.
Lão hóa là một quá trình tự nhiên, ta không nên quá lo lắng về việc sẽ già đi. Bạn không thể cưỡng cầu điều mình không thể thay đổi; thay vào đó, bạn nên quan tâm đến cách mình nhìn nhận về cuộc sống ra sao.
Tâm hồn tươi trẻ quyết định vẻ đẹp của mỗi người. Vài người mới 18 tuổi lại tạo cho người khác cảm giác họ đã “già” đi; trong khi đó, có những người 80, 90 tuổi lại toát ra nét trẻ trung rạng rỡ. Sự vui-trẻ của một người chủ yếu xuất phát từ bên trong. Sự lo lắng chính là thứ làm phụ nữ già đi chứ không phải do tuổi tác. Tôi rất tâm đắc một câu nói rất hay rằng: “Không quan trọng là bạn bao nhiêu tuổi, quan trọng là bạn trông giống bao nhiêu tuổi”.
Nếu vẻ đẹp của một cô gái đôi mươi mang đến cho ta cảm giác ngây thơ, thuần khiết, thì nét đẹp của một người phụ nữ tuổi 30 lại mang đến cảm giác mặn mà và tròn đầy. Khi đã 40, hay thậm chí 50 tuổi, sự mặn mà sẽ trở thành nét quyến rũ. Phụ nữ dần trở nên xinh đẹp, hấp dẫn, và thú vị hơn khi thực sự trưởng thành. Nên có thể nói lão hóa là một nghệ thuật, mà người biết yêu quý bản thân, tận hưởng niềm vui sống chính là “nghệ sĩ”.
Tôi mong tất cả mọi người hãy ngưng áp đặt tiêu chuẩn về tuổi già đối với phụ nữ, và nếu có thể, hãy đừng đem tuổi tác của phụ nữ ra làm đề tài bàn tán để họ có thể tự do theo đuổi cuộc đời mà họ muốn bất kể ở độ tuổi nào. Bởi vì không phải chúng ta từ bỏ cuộc chơi vì chúng ta già đi, mà chúng ta già đi vì từ bỏ cuộc chơi.
LILA
Nhân một chiều mưa đầu mùa, trên đường đi làm về, tôi tạt ngang quán cà phê quen thuộc gần nhà thưởng thức một tách cacao nóng. Quán hôm nay khá vắng, ngoài tôi ra thì chỉ có một cặp đôi ngồi gần cửa ra vào.
Không gian êm dịu khiến cho mọi âm thanh đều có vẻ được khuếch đại. Lúc bước vào tôi tình cờ nhìn thấy chiếc bánh sinh nhật rất xinh xắn cùng một bó hoa hồng trên bàn của cặp đôi này, nhưng cô gái lại có vẻ giận dỗi.
- Thôi mà, anh không cố ý đâu
- Nhưng em chỉ mới 28 tuổi thôi, sao anh lại lấy đèn cầy số 29?
- Anh nhầm lẫn một chút thôi mà. Em nè, mẹ anh hay bảo đùa là mình phải tính thêm một năm nằm trong bụng mẹ nữa, hì hì
Những tưởng nói đùa như vậy có thể khiến cô gái xí xóa, nhưng nào ngờ cô nàng càng phát hỏa hơn:
- Mẹ em với mấy bà dì cũng hay nói vậy, mà em thì ghét vô cùng ấy. Cứ phải cộng thêm một năm cho mình già thêm chi vậy?
- Làm gì có, với anh thì em lúc nào cũng trẻ đẹp mà.
- Thôi đi, anh biết là với phụ nữ thì cộng thêm một tuổi cũng là tội ác đấy.
Cứ thế hai người ngồi dùng dằng qua lại, một người kiên trì dỗ, một người ra sức dỗi, tình cờ tôi lại được xem phim tình cảm bi hài miễn phí, xem chán chê đến mức đứng dậy ra về rồi mà cô nàng hờn dỗi ấy vẫn chưa chán.
Từ câu chuyện bi hài trong quán cà phê, trên đường về, tôi bất chợt suy ngẫm: “Phụ nữ bao nhiêu tuổi là già?”. Đối với nhiều người, 30 tuổi được xem là cái nhãn dán dành cho sự bắt đầu “tuổi già” của phụ nữ.
Tuổi 30, ta chính thức rời bỏ những mối tình vu vơ, ngây dại, trong sáng của tuổi thiếu thời. Những trải nghiệm kiểu như cùng nhau đạp xe lang thang khắp phố để ăn kem, ăn chè, nói bao câu chuyện không đầu không cuối về truyện tranh, phim ảnh, cùng nhau dầm mưa rong ruổi khắp các nẻo đường…tựa hồ như quá xa vời.
Tuổi 30, ta cũng đã vững bước hơn trên con đường đời mà mình lựa chọn. Vẫn còn đó những khi rối rắm, loạng choạng, không biết chọn cái gì mới phải, chẳng hay đi đường nào là chính xác, nhưng ta đã dần trưởng thành hơn và hạn chế những quyết định bốc đồng.
Tuổi 30, ta thấy con đường mình đi không rộng thênh thang như những năm 20 nữa mà thấy nó dài vô tận, sâu thăm thẳm, kéo theo bên mình bao nỗi mông lung, bao trách nhiệm trên vai. Nhưng không vì những thay đổi lớn đó trong cuộc đời, không vì những áp lực và trách nhiệm ấy mà có thể gán cho phụ nữ một chữ “già”.
Phụ nữ bị ám ảnh về tuổi già một phần là do chịu sự tác động của hệ tư tưởng xã hội, tới một độ tuổi nhất định bất kể ở nhà hay ra phố, ai ai cũng phán cho ta một chữ “nhiều tuổi”, “già” thì lần này qua lần khác, ngày này qua tháng nọ, ai không vững tâm ắt tự nghĩ mình già thật.
Tôi có cô bạn luôn quan tâm đến vấn đề cơ thể béo dần lên theo năm tháng và nếp nhăn ở mặt, ở môi, ở mí mắt. Mỗi ngày nhỏ đều đứng trước gương soi thật kỹ từng nếp nhăn, dăm ba bữa lại nhắn tin than khóc rằng: “Trời ơi mặt mình đang chảy xệ mỗi ngày này.”, “Nếp nhăn này ở đâu xuất hiện nhanh vậy?”. Tôi nghĩ thầm có lẽ nếp nhăn xuất hiện là do nhỏ ngày ngày nhìn vào gương nheo mắt thật kỹ để tìm kiếm và quan sát nếp nhăn trên gương mặt mình.
Trái ngược với nhỏ bạn này, một lần nọ tôi gặp một cô bạn có quan điểm rất ấn tượng về những nếp nhăn. Cô ấy cho rằng nếp nhăn tượng trưng cho sự thông tuệ, điềm tĩnh của một người qua bao thăng trầm trong cuộc sống. Sự hiện diện của chúng đánh dấu sự trưởng thành, những sự kiện quan trọng của một đời người và sớm hay muộn gì thì gương mặt bạn cũng không thể thiếu những nếp nhăn, bởi vì bạn sẽ phải trưởng thành theo năm tháng.
Thật ra, con số 30 có thể xem là cột mốc của một cuộc đời đang chuẩn bị cằn cỗi theo năm tháng, hay là một thời đại hoàng kim mở ra nhiều niềm vui và trải nghiệm mới – điều đó tùy thuộc vào suy nghĩ của mỗi người.
Lão hóa là một quá trình tự nhiên, ta không nên quá lo lắng về việc sẽ già đi. Bạn không thể cưỡng cầu điều mình không thể thay đổi; thay vào đó, bạn nên quan tâm đến cách mình nhìn nhận về cuộc sống ra sao.
Tâm hồn tươi trẻ quyết định vẻ đẹp của mỗi người. Vài người mới 18 tuổi lại tạo cho người khác cảm giác họ đã “già” đi; trong khi đó, có những người 80, 90 tuổi lại toát ra nét trẻ trung rạng rỡ. Sự vui-trẻ của một người chủ yếu xuất phát từ bên trong. Sự lo lắng chính là thứ làm phụ nữ già đi chứ không phải do tuổi tác. Tôi rất tâm đắc một câu nói rất hay rằng: “Không quan trọng là bạn bao nhiêu tuổi, quan trọng là bạn trông giống bao nhiêu tuổi”.
Nếu vẻ đẹp của một cô gái đôi mươi mang đến cho ta cảm giác ngây thơ, thuần khiết, thì nét đẹp của một người phụ nữ tuổi 30 lại mang đến cảm giác mặn mà và tròn đầy. Khi đã 40, hay thậm chí 50 tuổi, sự mặn mà sẽ trở thành nét quyến rũ. Phụ nữ dần trở nên xinh đẹp, hấp dẫn, và thú vị hơn khi thực sự trưởng thành. Nên có thể nói lão hóa là một nghệ thuật, mà người biết yêu quý bản thân, tận hưởng niềm vui sống chính là “nghệ sĩ”.
Tôi mong tất cả mọi người hãy ngưng áp đặt tiêu chuẩn về tuổi già đối với phụ nữ, và nếu có thể, hãy đừng đem tuổi tác của phụ nữ ra làm đề tài bàn tán để họ có thể tự do theo đuổi cuộc đời mà họ muốn bất kể ở độ tuổi nào. Bởi vì không phải chúng ta từ bỏ cuộc chơi vì chúng ta già đi, mà chúng ta già đi vì từ bỏ cuộc chơi.
LILA