TẾT TRONG GIỎ QUÀ CỦA NGƯỜI XA QUÊ
TẾT TRONG GIỎ QUÀ CỦA NGƯỜI XA QUÊ
5 giờ sáng ngày cận Tết, tôi kéo va li và hai, ba giỏ đồ ra sân ga, lắng nghe tiếng còi tàu vang lên từng đợt và tiếng hành khách cùng nhau nói cười, chia sẻ niềm vui đoàn tụ mỗi dịp Tết đến xuân về.
Bỏ qua sự chật chội, đông đúc hay đôi lúc mệt mỏi trên những chuyến tàu xa, trái tim tôi rạo rực niềm vui chào đón tân niên trong từng nhịp bánh, bởi tôi hiểu rằng: Tôi đang đem xuân về cho gia đình!
Trước khi lên tàu vài ngày, tôi ghé qua nhiều khu chợ ở thành phố để lựa từng tấm áo, hộp quà, với hy vọng có thể đem lại niềm vui bất ngờ cho những người thân yêu nơi quê nhà. Cũng như tôi, người người ra ga về quê ăn Tết, ai cũng cố gắng mang theo cơ man là thứ. Có người xách gói bánh bịch kẹo nặng trịch, người lại cẩn thận nâng niu chiếc áo mới. Có người còn mang theo cành mai, khóm quất, chậu đào. Cứ như thế, mỗi khoang tàu trên những chuyến xe hồi hương vô tình trở thành một phiên chợ Tết nho nhỏ, nơi mà ai cũng nói cười rạng rỡ và cùng chia sẻ niềm vui khi tân niên sắp đến.
Trên những chiếc ghế xoay vào nhau của mỗi khoang tàu, tôi lại có dịp lắng nghe những câu chuyện của những người xa quê. Có cô em gái năm nhất đi học xa, chưa bao giờ thôi nhớ nhà, dù cuộc sống sinh viên thiếu thốn đủ điều nhưng vẫn chắt chiu để mua cho gia đình vài món đặc sản từ thành phố. Có chú theo bạn vào làm công ở thành phố cả năm, dù vất vả, thiếu thốn nhưng vẫn “về nhà kẻo các con mong”. Hành trang của chú chẳng có gì nhiều ngoài đôi dép, cái mũ, cái áo mới cho thằng Tí, cái Sửu ở nhà. Giữa những câu chuyện của những người con xa xứ trên mỗi chuyến tàu, người ta lại niềm nở mời nhau miếng bánh, múi quýt. Có lẽ nỗi háo hức về quê và sự đồng cảm khiến mỗi người dễ dàng cởi mở với nhau hơn.
Quả thật, nhiều người cho rằng ngày Tết đang dần mất đi ý nghĩa của nó, thậm chí là trở nên buồn chán và phiền phức, nhưng với những kẻ cả năm trời bươn chải nơi đất khách quê người như tôi, Tết mang niềm vui vô cùng lớn lao, được gói gọn trong ba chữ vỏn vẹn: được về nhà.
Rồi tàu cập bến, qua khung cửa sổ, tôi nhìn thấy ba mẹ và em gái đang đứng đợi tôi giữa hàng người đông đúc nơi sân ga. Mỗi lần về, ba sẽ giúp tôi xách hành lý, mẹ không ngừng hỏi thăm tôi có khỏe không, học hành, làm việc thế nào, còn em gái sẽ dúi vào tay tôi cây kẹo mút mà em đã để dành. Lần nào cũng vậy, ba mẹ tôi luôn mắng yêu: “Ở quê mình có đủ cả, mang về làm gì”. Chỉ là vài món đồ bé mọn chắt chiu, nhưng đủ khiến những người thân yêu đang đợi tôi nơi quê hương cảm thấy “vui như Tết”.
Với những người thành phố, Tết có thể chỉ đơn giản là dịp để họ được đi chơi và “xả hơi” sau những ngày làm việc vất vả, hoặc đơn giản là để quên đi áp lực trong cuộc sống đời thường. Còn đối với những người con xa quê, Tết vừa là cơ hội để họ được đoàn tụ với gia đình bên nồi bánh chưng hay mâm ngũ quả, vừa là dịp để họ mang xuân về cho những người thân yêu. Có món quà được chuẩn bị rất kỳ công, có món lại tủn mủn, nhưng đều được gom góp bằng cả tấm lòng và nỗ lực của những người xa xứ.
Tết của những người xa quê đặc biệt là vậy. Tết không ở những hôm cùng gia đình dọn dẹp và sửa sang nhà cửa, cũng không ở đêm cúng ông Công ông Táo hay những phiên chợ hoa. Tết hiện hữu trong từng giỏ quà, từng gói hành lý, từng tiếng còi tàu ngân nga trên những chuyến xe hồi hương nối đuôi nhau, trải dài dọc trời Nam đất Bắc. Tết gói gọn trong bước chân vội vã ra sân ga, trong những món quà chắt chiu mà người ở xa khệ nệ đem về, trong giây phút khoảng cách được rút ngắn, để người ta có thể sum tụ với những người mà họ luôn yêu thương và mong nhớ.
Một năm mới lại sắp đến. Rồi Tết sẽ lại theo chân tôi – những người con xa xứ, cùng những chuyến tàu và những giỏ quà đi khắp mọi dặm dài của Tổ quốc. Ắt hẳn nhiều người cũng như tôi, dù cả năm có vất vả, thiếu thốn ra sao, vẫn cố gắng về nhà đón xuân với gia đình, vì “Quà nào bằng gia đình sum họp, Tết nào vui bằng Tết đoàn viên”.
CATHERINE
5 giờ sáng ngày cận Tết, tôi kéo va li và hai, ba giỏ đồ ra sân ga, lắng nghe tiếng còi tàu vang lên từng đợt và tiếng hành khách cùng nhau nói cười, chia sẻ niềm vui đoàn tụ mỗi dịp Tết đến xuân về.
Bỏ qua sự chật chội, đông đúc hay đôi lúc mệt mỏi trên những chuyến tàu xa, trái tim tôi rạo rực niềm vui chào đón tân niên trong từng nhịp bánh, bởi tôi hiểu rằng: Tôi đang đem xuân về cho gia đình!
Trước khi lên tàu vài ngày, tôi ghé qua nhiều khu chợ ở thành phố để lựa từng tấm áo, hộp quà, với hy vọng có thể đem lại niềm vui bất ngờ cho những người thân yêu nơi quê nhà. Cũng như tôi, người người ra ga về quê ăn Tết, ai cũng cố gắng mang theo cơ man là thứ. Có người xách gói bánh bịch kẹo nặng trịch, người lại cẩn thận nâng niu chiếc áo mới. Có người còn mang theo cành mai, khóm quất, chậu đào. Cứ như thế, mỗi khoang tàu trên những chuyến xe hồi hương vô tình trở thành một phiên chợ Tết nho nhỏ, nơi mà ai cũng nói cười rạng rỡ và cùng chia sẻ niềm vui khi tân niên sắp đến.
Trên những chiếc ghế xoay vào nhau của mỗi khoang tàu, tôi lại có dịp lắng nghe những câu chuyện của những người xa quê. Có cô em gái năm nhất đi học xa, chưa bao giờ thôi nhớ nhà, dù cuộc sống sinh viên thiếu thốn đủ điều nhưng vẫn chắt chiu để mua cho gia đình vài món đặc sản từ thành phố. Có chú theo bạn vào làm công ở thành phố cả năm, dù vất vả, thiếu thốn nhưng vẫn “về nhà kẻo các con mong”. Hành trang của chú chẳng có gì nhiều ngoài đôi dép, cái mũ, cái áo mới cho thằng Tí, cái Sửu ở nhà. Giữa những câu chuyện của những người con xa xứ trên mỗi chuyến tàu, người ta lại niềm nở mời nhau miếng bánh, múi quýt. Có lẽ nỗi háo hức về quê và sự đồng cảm khiến mỗi người dễ dàng cởi mở với nhau hơn.
Quả thật, nhiều người cho rằng ngày Tết đang dần mất đi ý nghĩa của nó, thậm chí là trở nên buồn chán và phiền phức, nhưng với những kẻ cả năm trời bươn chải nơi đất khách quê người như tôi, Tết mang niềm vui vô cùng lớn lao, được gói gọn trong ba chữ vỏn vẹn: được về nhà.
Rồi tàu cập bến, qua khung cửa sổ, tôi nhìn thấy ba mẹ và em gái đang đứng đợi tôi giữa hàng người đông đúc nơi sân ga. Mỗi lần về, ba sẽ giúp tôi xách hành lý, mẹ không ngừng hỏi thăm tôi có khỏe không, học hành, làm việc thế nào, còn em gái sẽ dúi vào tay tôi cây kẹo mút mà em đã để dành. Lần nào cũng vậy, ba mẹ tôi luôn mắng yêu: “Ở quê mình có đủ cả, mang về làm gì”. Chỉ là vài món đồ bé mọn chắt chiu, nhưng đủ khiến những người thân yêu đang đợi tôi nơi quê hương cảm thấy “vui như Tết”.
Với những người thành phố, Tết có thể chỉ đơn giản là dịp để họ được đi chơi và “xả hơi” sau những ngày làm việc vất vả, hoặc đơn giản là để quên đi áp lực trong cuộc sống đời thường. Còn đối với những người con xa quê, Tết vừa là cơ hội để họ được đoàn tụ với gia đình bên nồi bánh chưng hay mâm ngũ quả, vừa là dịp để họ mang xuân về cho những người thân yêu. Có món quà được chuẩn bị rất kỳ công, có món lại tủn mủn, nhưng đều được gom góp bằng cả tấm lòng và nỗ lực của những người xa xứ.
Tết của những người xa quê đặc biệt là vậy. Tết không ở những hôm cùng gia đình dọn dẹp và sửa sang nhà cửa, cũng không ở đêm cúng ông Công ông Táo hay những phiên chợ hoa. Tết hiện hữu trong từng giỏ quà, từng gói hành lý, từng tiếng còi tàu ngân nga trên những chuyến xe hồi hương nối đuôi nhau, trải dài dọc trời Nam đất Bắc. Tết gói gọn trong bước chân vội vã ra sân ga, trong những món quà chắt chiu mà người ở xa khệ nệ đem về, trong giây phút khoảng cách được rút ngắn, để người ta có thể sum tụ với những người mà họ luôn yêu thương và mong nhớ.
Một năm mới lại sắp đến. Rồi Tết sẽ lại theo chân tôi – những người con xa xứ, cùng những chuyến tàu và những giỏ quà đi khắp mọi dặm dài của Tổ quốc. Ắt hẳn nhiều người cũng như tôi, dù cả năm có vất vả, thiếu thốn ra sao, vẫn cố gắng về nhà đón xuân với gia đình, vì “Quà nào bằng gia đình sum họp, Tết nào vui bằng Tết đoàn viên”.
CATHERINE